Tác dụng của kem chống nắng – Có thể bạn chưa biết

Tác dụng của kem chống nắng – Có thể bạn chưa biết

 

Chống nắng luôn là bước cực kỳ quan trọng

Tia UV – “Kẻ thù” của làn da

Mỗi ngày, kể cả những ngày không nắng vẫn sẽ luôn tồn tại tia UV (tia cực tím). Đây là tia điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nên mắt thường không nhìn thấy được. Tia UV có 3 phổ chính: tia UVA, UVB và UVC. Mình sẽ nói ngắn gọn về 3 tia này như sau:

  • Tia UVC không thể xuyên đến Trái Đất vì đã bị màng lọc tầng ozone chặn lại.
  • Tia UVA chiếm khoảng 95 – 96% trong phổ UV. Loại tia này có thể xuyên qua bóng râm của đám mây và kính, tồn tại ở mọi thời điểm trong ngày.
  • Tia UVB chiếm 3% trong phổ UV. Tia UVB cũng có mặt quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều hơn ở vùng khí hậu có nắng.

 

tác dụng của kem chống nắng

 

Chúng ta chủ yếu nói đến 2 tia UVA và UVB. Dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng những tác hại của chúng lại thể hiện rõ trên da. Khá khó chịu nhỉ?

Tia UVB – “Burn”

Đầu tiên sẽ nói đến tia UVB. Mặc dù không xâm nhập sâu vào da nhưng UVB tạo ra các gốc tự do gây hại ở các lớp của tầng biểu bì. Peiland sẽ cho bạn ví dụ về một tác động có thể nhìn thấy ngay của UVB. Đó là ở lâu dưới nắng gắt, bạn sẽ thấy da mình mẫn đỏ, rám nắng và phồng rộp. Đây là tác động của các bức xạ nhiệt và một phần sự phá hủy bề mặt do tia UVB gây ra. Về lâu dài, tia UV còn kích thích sản sinh hắc tố Melanin. Điều này sẽ gây ra thâm sạm, da tối màu, thiếu sức sống, thậm chí tăng nguy cơ ung thư da.

Tia UVA – “Aging” hoặc “Allergies”

Tiếp đến là tia UVA – một “kẻ gây hại thầm lặng” vô cùng nguy hiểm. Loại tia này sẽ không làm đen da đâu. Nhưng tệ hại hơn là chúng lại tác động sâu vào các tế bào dưới da. Từ đó hình thành nếp nhăn, đồi mồi, làm da nhăn nheo chảy xệ theo thời gian. Chưa dừng lại ở đó, UVA còn gián tiếp phá hủy cấu trúc DNA. Một số căn bệnh ung thư da còn có mối liên hệ mật thiết với tia UVA.

tác dụng của kem chống nắng và spf

 

Tác dụng của SPF và PA trong kem chống nắng

UVA và UVB gây hại đến vậy, nhưng may mà vẫn có cách chống lại chúng. Đó là ngoài việc che chắn kỹ càng, bạn còn cần phải thoa kem chống nắng. Vì chỉ số SPF và PA trong kem chống nắng sẽ giúp bạn “đối phó” với tia UVB và UVA. Peiland Oshirma sẽ giải thích  đơn giản như sau:

  • SPF (Sun Protection Factor) là chỉ số đo lường khả năng chống lại tia UV. Theo định mức Quốc tế, ước tính 1 SPF sẽ bảo vệ da trước tia UV trong khoảng 10 phút. Ví dụ như SPF 15 thì sẽ bảo vệ da trong vòng 150 phút. Tương tự, SPF 50 thì bảo vệ da được trong 500 phút.
  • PA (Protection Grade of UVA) là chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA do Hiệp Hội Mỹ Phẩm Nhật Bản công bố. Bạn sẽ bắt gặp trên bao bì kem chống nắng, chỉ số PA hay kèm theo các dấu “+”. Theo đó, PA từ “+” tới “++++” sẽ tương ứng với khả năng chống tia UVA ở mức từ 40-95%.

tác dụng của spf trong kem chống nắng

 

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tập trung nói về sự cần thiết cũng như tác dụng của kem chống nắng. Nếu bạn muốn biết thêm về hai chỉ số SPF và PA, ở mức nào là phù hợp thì hãy đón chờ bài viết tiếp theo nhé.

Qua đây chắc hẳn bạn cũng biết việc chống nắng đối với làn da là rất quan trọng. Và kem chống nắng chính là biện pháp bảo vệ làn da tối ưu. Vì kem chống nắng có tác dụng chống lại tia UV, ngăn ngừa lão hóa và giảm thiểu nguy cơ ung thư da.

Những sự thật ít người biết về tác dụng của kem chống nắng

Làn da đen thì không cần chống nắng?

Sau những thông tin về tác hại của tia UV, chúng ta đều biết ai cũng cần phải chống nắng cả. Tuy nhiên, suy nghĩ “Làn da đen thì không cần chống nắng” vẫn còn tồn tại, thậm chí là khá phổ biến. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 bởi Shasa Hu, MD cho thấy rằng: Các bác sĩ da liễu thường ít đưa ra cảnh báo về tác hại của ánh nắng cho những bệnh nhân da đen so với bệnh nhân da trắng. Tuy nhiên, không đưa ra cảnh báo không đồng nghĩa với việc bạn sẽ “miễn nhiễm” tia UV nếu bạn có làn da ngăm.

Theo Bác sĩ Meena Singh đến từ Trung tâm Kansas Medical Clinic, Hoa Kỳ, “Những người với tone da tối sẽ có SPF tự nhiên ở mức 13”. Và đứng trước những tổn hại của ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia UVA, mức SPF này chẳng mang đến tác dụng gì đáng kể. Theo đó, con số được đề nghị bởi các bác sĩ da liễu phải là SPF 30 trở lên.

Vì thế, hãy nhớ rằng: Kem chống nắng là rất quan trọng. Dù cho bạn là nam hay nữ, có làn da trắng hay tối màu.

tác dụng của kem chống nắng và spf

Kem chống nắng ảnh hưởng khả năng hấp thụ Vitamin D?

Một thông tin về tác dụng của kem chống nắng sẽ khiến bạn băn khoăn. Đó là kem chống nắng có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp thụ Vitamin D của làn da. Đừng quá lo lắng bạn nhé! Theo Học Viện Da Liễu Hoa Kỳ (AAD), chúng ta hoàn có thể cung cấp Vitamin D cho cơ thể bằng thực phẩm và các nguồn Vitamin khác. Bằng cách này, cơ thể vẫn sẽ nhận đủ lượng vitamin mà không cần tiếp xúc trực tiếp với nắng. Từ đó, nguy cơ đối mặt với ung thư da cũng sẽ được giảm thiểu.

Da yếu đang điều trị thì có cần kem chống nắng?

Chắc hẳn đã có lần bạn nghe từ đâu đó rằng: Những làn da đang gặp vấn đề như mụn, da bị bào mòn,… đang trong quá trình điều trị thì không nên dùng kem chống nắng vì sẽ dễ bị kích ứng. Sự thật ở đây là: Chính những làn da như thế mới càng phải cần chống nắng. Vì da sẽ mẫn cảm hơn và mất rất lâu để hồi phục nếu cứ liên tục chịu “tổn thương” như vậy. “Tổn thương” ở đây là gì? Đó chính là ánh nắng mặt trời sẽ lấy đi lượng dầu tự nhiên trên da. Lúc này, da sẽ mất đi độ ẩm cần thiết, thế là da đã yếu lại càng yếu hơn.

tác dụng của kem chống nắng

 

 Đồng ý rằng nhiều bạn thật sự đã bị kích ứng khi thoa kem chống nắng. Nhưng đó là do bạn chưa chọn được loại kem chống nắng phù hợp. Ví dụ như có những thành phần không mấy “thân thiện” với da. 

Đương nhiên vẫn sẽ có những trường hợp bắt buộc phải bỏ kem chống nắng. Đó là khi da đang trong giai đoạn đẩy mụn và đẩy lên toàn mụn viêm. Tuy nhiên, bạn cũng phải bảo vệ da bằng cách khác. Chẳng hạn như đeo khẩu trang vải tối màu, dùng viên uống chống nắng. Ngoài ra còn phải hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng, tránh ngồi gần cửa sổ vào ban ngày. Nói tóm lại, việc chống nắng luôn là yếu tố hàng đầu. Vì điều này sẽ cho bạn một làn da khỏe mạnh và bạn không được chủ quan đâu nè.

Kem chống nắng có ngăn sạm da?

Tác dụng của kem chống nắng là bảo vệ da trước tia UV. Vậy nếu dùng thì khi đi nắng da mình sẽ không đen đúng không?

Chúng ta sẽ nói về vấn đề da sạm đi dưới nắng. Tất cả xoay quanh Melanin. Melanin là sắc tố quyết định màu da của mỗi người, được tìm thấy ở tóc, da, sắc tố lòng đen của mắt. Melanin tồn tại nhiều ở những người có làn da tối màu. Các bạn có biết tại sao người già lại có tóc bạc không? Đó là do hàm lượng Melanin lúc này được sản xuất ít dần đi. Từ đó làm tóc dần mất đi màu đen nguyên thuỷ đấy.

Giờ đến chuyện của làn da rám nắng. Vì Melanin giúp chống lại tác động nhiệt từ bên ngoài, cụ thể là chống bức xạ tia cực tím. Nên khi làn da tiếp xúc với ánh nắng sẽ kích thích sản sinh Melanin để bảo vệ. Thời gian bạn tiếp xúc càng lâu thì lượng Melanin được phóng thích ra càng nhiều. Tình trạng da sạm đi cũng từ đó xuất hiện. Và bạn nên nhớ kem chống nắng chỉ là một màng lọc, đen da là do tác động nhiệt. Vậy nên tác dụng ngăn sạm da của kem chống nắng sẽ không thể đảm bảo 100% được đâu nè.

Vì vậy dù cho đã thoa kem chống nắng thì cũng không nên để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng quá lâu!

Bài trước Bài sau